VI

Xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ: Sự lựa chọn phù hợp với xu thế tất yếu

20
12/2023

Sự lựa chọn mang tính lịch sử 

 

Tại hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương", Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã chia sẻ: "Hơn 1.000 năm trước đây, Hoa Lư đã được lựa chọn là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt. 

 

Trở về Hoa Lư, Tràng An hôm nay, nhìn lên các thánh tích đá vôi sừng sững, đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cảm nhận hào khí anh linh hội tụ tại mảnh đất này, gặp những người con của Ninh Bình-nơi địa linh sinh nhân kiệt, bất cứ ai cũng đều cảm thấy tự hào. 

 

Chính mảnh đất này, bậc tiền nhân Lý Công Uẩn đã giong buồm tìm đến với Thăng Long, để rồi từ Thăng Long, trải qua nghìn năm "mang gươm đi mở cõi", chúng ta mới có một đất nước Việt Nam dài, rộng, đầy khát vọng vươn lên như hôm nay. 

 

Ninh Bình cũng là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa và tôn giáo theo nghĩa nhân văn nhất. Mảnh đất này là chứng tích của những con người đất Việt với những đức tin tôn giáo khác nhau, sống hòa hợp, yên bình, tương kính và nhân văn. Ninh Bình cũng là vùng đất có tài nguyên địa hình đa dạng, phong phú và vô cùng hấp dẫn trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dày lịch sử văn hóa nhân loại cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam, có một nền văn hóa Kinh kỳ-Đô hội còn tiếp nối, vang vọng đến ngày hôm nay". Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những mốc lịch sử hào hùng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

 

Hiện nay, dấu tích của Cố đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư là một trong 4 vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An với hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất tại khu vực Đông Nam Á; đồng thời, được Tổng Giám đốc UNESCO đánh giá là một trong những mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. 

 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt được tổ chức tại Ninh Bình ngày 28/4/2023, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã nhấn mạnh: "Di sản mà Nhà nước Đại Cồ Việt, Vua Đinh Tiên Hoàng cùng các bậc tiền nhân để lại và những thành tựu mà tỉnh Ninh Bình đạt được trong thời gian qua là vô cùng quý giá; là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình tiến tới thực hiện mục tiêu trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng Sông Hồng vào năm 2030". 

 

Kế thừa, tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông; dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đã luôn đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, sớm nhận diện được những tiềm năng, thế mạnh và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, kiên định. Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có. 

 

Ngay từ đầu những năm 2000, tỉnh đã thực hiện chuyển hướng chiến lược phát triển từ "Nâu" sang "Xanh", chuyển từ công nghiệp sản xuất vật liệu sang phát triển du lịch, chú trọng bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, khoanh vùng cấm và tạm cấm khai thác các dãy núi đá vôi, rừng đặc dụng. 

 

Đến nay, Ninh Bình đã dừng thu hút các dự án chiếm nhiều diện tích đất, sử dụng công nghệ lạc hậu và đóng góp giá trị kinh tế thấp. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng khá, quy mô ngày càng mở rộng, cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. 

 

Từ năm 2022, Ninh Bình trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách Nhà nước và điều tiết nguồn thu về ngân sách Trung ương; thu nhập bình quân đầu người hết năm 2022 xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Ninh Bình đã phát triển hài hòa giữa các vùng, và cùng với quá trình phát triển, vẫn lưu giữ được những giá trị, bản sắc riêng có. Ngành du lịch Ninh Bình với những bước chuyển mạnh mẽ, thuộc 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất và là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước và quốc tế. 

 

Như vậy, không phải đến thời điểm này, Ninh Bình mới thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, mà đây đã là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội, đã sớm được định hình và có những bước đi bài bản. Hướng đi này đã bắt nhịp được với xu thế bao trùm trên toàn thế giới. Ngày nay, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Giá trị văn hóa, lịch sử cùng với công tác bảo tồn đã và đang là tài sản kinh tế rất quan trọng để các quốc gia, các khu vực lấy làm tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản. 

 

Xu thế tất yếu 

 

Với đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của mình, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Bình đề ra quyết tâm xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ. Có thể nói, mục tiêu trên là phù hợp với tiềm năng của Ninh Bình và xu thế phát triển chung trên toàn thế giới. 

 

Ngày 23/8/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030. Trong đó có mục tiêu đến năm 2025: "Thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, đồng thời sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gắn với định hình tính chất đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là Đô thị di sản, dựa trên các giá trị độc đáo về địa tự nhiên-sinh thái, văn hóa-lịch sử, sở hữu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

 

Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí công nhận đơn vị hành chính mới sau hợp nhất là đô thị loại I trực thuộc tỉnh" và mục tiêu: "Hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030". 

 

Đây chính là hướng đi của Ninh Bình nhằm triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị đã đề ra, như: Nghị quyết số 06-NQ/ TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (đã nêu rõ quan điểm phát triển đô thị phải bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển, phù hợp với từng vùng, miền); Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ (đã nêu những quan điểm, chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng và phù hợp về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của "Nền văn minh Sông Hồng"- "Cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt", với địa hình đa dạng cùng bề dày lịch sử văn hóa; vùng sở hữu số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác đã được kiểm kê và xếp hạng, ghi danh đứng đầu cả nước). 

 

Như vậy, vấn đề mang tính chiến lược của tỉnh Ninh Bình hiện nay là: "Sau khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sẽ xây dựng Hoa Lư-Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương". Thành phố Hoa Lư trong tương lai sẽ bao trùm gần như toàn bộ phạm vi Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình. Thành phố mới sẽ có gần 30% là diện tích vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. 

 

Như vậy, việc Hoa Lư-Ninh Bình được lựa chọn trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là sự lựa chọn tất yếu. Phát biểu tại hội nghị khoa học "Bàn về Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình", đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Việc Ninh Bình lựa chọn phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ ở thời điểm hiện nay là đúng, trúng và phù hợp với thực tiễn cũng như các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, về quản lý và phát triển đô thị ở các địa phương có di sản Cố đô, sở hữu danh hiệu di sản thế giới của Tổ chức UNESCO. 

 

Cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới, sự lựa chọn của Ninh Bình phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là hướng đi để thoát khỏi mô hình đô thị hóa đơn nhất dạng nén đang gặp nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay. Đồng thời hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức.

 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn