VI

Linh thiêng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

16
10/2023

Đinh Tiên Hoàng đế (tức Đinh Bộ Lĩnh) sinh ngày Rằm tháng Hai năm Giáp Thân (924), ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Hai năm sau, năm 970, Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu riêng là Thái Bình; "dựng cung điện, đặt triều nghi, định trăm quan, đặt sáu quân". Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (1010), nhân dân đã xây dựng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành trên nền cung điện xưa để tưởng nhớ hai vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước.

 

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên vị trí đắc địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Đền được xây dựng theo phong cách đăng đối trên trục thần đạo, bắt đầu từ hồ Bán Nguyệt và kết thúc ở Chính điện. Phía bên cổng ngoài – Ngọ Môn Quan có dòng chữ Hán được viết trên nền cổng: “Bắc môn tỏa thược được”, qua Ngọ Môn Quan sẽ bắt gặp dòng chữ Hán nữa là: “Tiền Triều Phượng Các”. Hồ Bán Nguyệt phía trước Đền được xây dựng theo lối kiến trúc triều đình xưa, trong hồ được lấp đầy bởi hoa súng tạo ra một khung cảnh rất đẹp.

 

 

Đền được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện, kết cấu kiểu “Nội công, ngoại quốc” với trục chính đạo hướng Đông. Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng gồm có 3 tòa chính: Bái đường, Thiêu hương và Chính cung. Ngoài cùng là Bái đường, ở gian giữa Bái đường có bức đại tự đề ba chữ "Chính thống thủy" (mở đầu nền chính thống), ca ngợi công đức của vua Đinh là người dẹp loạn cát cứ, mở đầu nền thống nhất quốc gia. Trong cùng là Chính cung, thờ vua Đinh và ba hoàng tử triều Đinh. Ở giữa Chính cung là tượng vua Đinh Tiên Hoàng, đúc bằng đồng vàng sơn son thếp bạc, làm vào thời nhà Nguyễn, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long cổn, ngồi trên sập rồng - biểu tượng của bậc đế vương, dáng vẻ uy nghiêm, đường bệ. Bên trái là tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn - con cả, bên phải là tượng Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn là hai con thứ của vua Đinh. 

 

 

Trước gian giữa của Bái đường ngay trên sân rồng là sập long sàng được làm từ đánh xanh nguyên khối kết hợp với nghệ thuật chạm khắc vô cùng tinh tế với những đường nét hoa văn đặc sắc, có giá trị. Đây được xem là món quà giá trị mà các nghệ nhân để lại đồng thời cho thấy tài năng và nghệ thuật tài hoa của họ. Long sàng đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là hiện vật tiêu biểu cho đồ trọng khí trong không gian thờ cúng của người Việt, biểu trưng cho vương quyền của triều đình phong kiến, là tác phẩm điêu khắc tiêu biểu ở Việt Nam với nghệ thuật trang trí nhiều ý niệm, giàu chất nhân văn, ẩn chứa nhiều thông điệp bí ẩn, là hiện vật độc đáo có một không hai ở nước ta, là đồ trọng khí, hàng quốc bảo, được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2017.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc, điêu khắc quý ở thế kỷ XVII, tuy đã tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ khá nguyên vẹn một số mảng điêu khắc, kiến trúc thời Hậu Lê với các đề tài tiên cưỡi rồng, lưỡng long chầu lá đề, lưỡng long chầu nguyệt, rồng ổ, rồng đàn. Những bức điêu khắc này không những điểm trang cho ngôi đền thêm lộng lẫy, mà nó còn thể hiện tài nghệ điêu khắc tuyệt vời của các nghệ nhân dân gian vùng Hoa Lư từ hơn ba trăm năm trước. Nơi đây mang ý nghĩa hết sức lớn lao mà thế hệ cha ông ta đã bỏ công gìn giữ và bảo tồn đến tận bây giờ. Có dịp về Ninh Bình du khách hãy về tham quan, chiêm bái Cố đô Hoa Lư – kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt nhé!

 

 

Nguồn dulichninhbinh.com.vn